Du xuân đến các ngôi đền, chùa nổi tiếng nhất Đông Nam Á dưới đây sẽ khiến tâm hồn du khách thêm an nhiên trong những ngày đầu năm.
Chùa Shwedagon (Myanmar)
Shwedagon còn có tên gọi là chùa Vàng tọa lạc ở thủ đô Yangon. Đây là chốn linh thiêng bậc nhất và là niềm kiêu hãnh của người dân Myanmar. Khu quần thể chùa xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, gồm 1.000 ngôi chùa nhỏ bao quanh tòa cao 99 m, phủ kín bởi 9.300 lá vàng dát mỏng, 5.450 viên kim cương và 2.320 viên đá quý khác. Trên đỉnh tháp có 1.065 chuông vàng và 421 chuông bạc. Dưới ánh mặt trời, ngôi chùa sáng lấp lánh tựa vầng thái dương.
Chùa Pha That Luang (Lào)
Chùa Pha That Luang theo tiếng bản ngữ có nghĩa là tháp vĩ đại hay tháp xá lợi. Đây là một trong những di tích nổi tiếng nhất tại thủ đô Viêng Chăn. Chùa xây dựng năm 1566 dưới triều đại vua Setthathirat, có hình dáng như một khối tháp khổng lồ đại diện cho sự giác ngộ Phật giáo. Pha That Luang bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của người Thái năm 1828 và được xây dựng lại vào năm 1931.
Chùa Wat Arun (Thái Lan)
Chùa Wat Arun nằm bên bờ tây sông Chao Phraya, là một trong những ngôi chùa lộng lẫy, thu hút nhiều khách du lịch nhất thủ đô Bangkok. Ngôi chùa có kiến trúc tinh xảo, mô phỏng kiến trúc “núi vũ trụ Meru” của người Ấn Độ. Trong chùa có tháp Phra Prang cao 79 m được khảm sành sứ Trung Hoa trên mái nhà và các bệ. Khi bình minh hay hoàng hôn buông xuống, cả ngôi chùa vàng rực lấp lánh.
Đền Angkor Wat, Borobudur, Ali Saifuddin
Du xuân hành hương, du khách đừng bỏ qua Angkor Wat - viên ngọc quý của đất nước chùa thápnằm cách thị trấn Siem Reap (Campuchia) 5,5 km. Đền Angkor có diện tích rộng khoảng 200 ha xây dựng vào thế kỷ thứ XII để tưởng nhớ vị thần Vishnu. Sau này, ngôi đền được sử dụng làm nơi thờ Phật sau khi chế độ quân chủ của Campuchia chuyển sang theo đạo Phật. Năm 1992, quần thể Angkor Wat được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đền Borobudur xây dựng vào thế kỷ thứ VIII và thứ IX của vương triều Sailendra, cách 40 km về phía tây bắc thành phố Yogyakarta, Indonesia. Kỳ quan Phật giáo tinh xảo được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1991. Toàn bộ công trình gồm có năm tầng thềm hình vuông, tiếp theo là ba tầng thềm hình tròn và trên cùng là một bảo tháp lớn được xây từ khoảng 2 triệu khối đá núi lửa màu xám khai thác trên đảo Java.
Còn Omar Ali Saifuddin lại mang nét đặc trưng của kiến trúc Hồi giáo, là biểu tượng cho sự giàu có và sung túc của vương quốc Brunei. Ngôi đền xây dựng năm 1958, cao 52 m, đỉnh mái vòm được mạ vàng, những bức tường, cột, vòm cung và tháp làm bằng đá cẩm thạch Italy. Ngôi đền được bao quanh bởi rất nhiều cây và hoa, theo quan niệm của đạo Hồi, đó là biểu tượng của thiên đàng.
Chùa Cebu Taoist (Philippines)
Tọa lạc ở Beverly Hills Subdivision, chùa Taoist cao hơn 300 m so với mực nước biển. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thành phố Cebu. Chùa được xây dựng vào năm 1972, lối vào của đền mô phỏng Vạn lý Trường thành của Trung Quốc. Đây là nơi thực hành đạo giáo (Lão giáo) và là điểm đến linh thiêng của cộng đồng người Hoa sống tại Cebu.
Chùa Kek Lok Si (Malaysia)
Kek Lok Si còn có tên gọi Cực Lạc tự, là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Chùa xây dựng năm 1893, nổi bật với bảo tháp 7 tầng hình bát giác được thiết kế theo phong cách Trung Quốc kết hợp với kiến trúc Thái Lan, Miến Điện. Khuôn viên trung tâm chùa nổi bật có bức tượng tứ đại thiên vương được thờ trang trọng và mỗi vị cai quản một phương khác nhau. Đây là điểm đến tâm linh thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái nhất.
Chùa Phật Nha (Singapore)
Chùa tọa lạc ở trung tâm khu Chinatown và là niềm tự hào của những tín đồ Phật giáo ở Singapore. Ngôi xây dựng năm 2007 là nơi bảo tồn di tích răng Phật được tìm thấy trong một bảo tháp bị sập ở Myanmar. Chùa có kiến trúc tráng lệ, gồm năm tầng nổi và một tầng hầm, được bài trí theo kiểu Mandala, thể hiện quan niệm “vũ trụ vạn vật” của nhà Phật và mang nhiều nét kiến trúc của nhà Đường (Trung Quốc).