Giống Việt Nam, một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc,… đều ăn Tết cổ truyền. Nhưng điều gì khiến du khách Việt muốn thưởng thức Tết ở các nước này?
Tết cổ truyền Trung Quốc khám phá cái nôi văn hóa Phương Đông.
Du lịch Trung Quốc dịp Tết âm lịch du khách có dịp hòa mình vào không khí vui tươi trong tiếng kèn pháo, màn múa lân truyền thống hấp dẫn. Những ca khúc đón năm mới mang âm hưởng dân tộc vang lên khiến lòng ai cũng rộn ràng khó tả. Khắp nơi từ đường phố, trên ngõ hay trong nhà đều rực rỡ sắc đỏ. Bởi người Trung Quốc quan niệm treo lồng đèn đỏ để rước may mắn; câu đối đỏ như lời chúc ý nghĩa đầu năm; dán giấy hoa văn đỏ với mong muốn mang lai sự thịnh vượng; và đốt pháo đỏ như một cách xua đuổi những điềm xui. Tết người Trung Quốc thường kéo dài và luôn tưng bừng trong những ngày này để tránh những linh hồn xấu và chào đón năm mới đầy may mắn.
Đặc biệt, nhắc đến Tết du khách đừng quên thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Trung Hoa trong những ngày này, đặc trưng nhất là món sủi cảo. Vì sủi cảo hình dáng như một thỏi bạc, ăn món này đầu năm để năm mới có nhiều tài lộc. Ngoài sủi cảo còn có Bánh Nếp, theo phiên âm của người Hoa, bánh Nếp có nghĩa năm mới sẽ thăng tiến. Ngoài ra còn có bánh trôi chay tượng trưng cho sự đoàn viên và đoàn kết của các thế hệ trong gia đình người Trung Quốc.
Không những vậy, Tết cổ truyền Trung Quốc còn gọi là lễ hội mùa xuân. Trong tiết trời còn se lạnh, hơi thở nàng xuân tràn về mang đầy nhựa sống. Khắp nơi trăm hoa đua nở rực rỡ khiến không gian rộn ràng ngày đầu năm càng tưng bừng và ngập tràn sắc màu. Du xuân Trung Quốc dịp Tết âm lịch du khách đừng quên hành hương đến chùa rước lộc, cầu bình an bỏ lại những phiền não đã qua, dọn dẹp tâm hồn đón hy vọng và niềm vui trong năm mới.
Tết cổ truyền Hồng Kông sự pha trộn văn hóa Á – Âu.
Tết cổ truyền Hồng Kông có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, nhưng cách đón Tết của người Hồng Kông pha trộn giữa truyền thống Phương Đông với nét văn hóa phóng khoáng, mới mẻ của phương Tây.
Du lịch Hồng Kông dịp Tết nguyên đán không chỉ là những hoạt động truyền thống ngày đầu năm mà du khách còn được tham gia các lễ hội vô cùng đặc sắc. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Hồng Kông tập trung ở cảng Tsim Sha Tsui, xem các vũ đoàn nghệ thuật, các nhân vật Disney diễu hành trong tiếng nhạc rộn rã. Ngày mùng 2 Tết, mọi người lại rủ nhau đến cảng Victoria, thưởng thức màn biểu diễn pháo hoa kéo dài 20 phút- được xem là một trong những màn bắn pháo hoa đẹp nhất Thế Giới. Bên cạnh đó, đua ngựa cũng là một hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết ở Hồng Kông. Vào mùng 3 Tết, người dân đến các trường đua ngựa, đặt cọc con ngựa mình yêu thích như là một hoạt động cầu may mắn đầu năm.
Tết cổ truyền Singapore thiên đường lễ hội văn hóa ấn tượng.
Du lịch Singapore dịp Tết nguyên đán là đến với thiên đường của ngày lễ hội sôi động. Trong đó nổi bật nhất với 3 lễ hội lớn: Lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay.
Mở màn cho chuỗi lễ hội diễn ra tại quốc đảo là lễ hội Hoa đăng được diễn ra tại khu phố Tàu. Vào ngày này, cả khu phố bừng sáng rực rỡ của hàng nghìn chiếc đèn lồng trang trí theo hình tượng con giáp của năm đó. Và trong dịp này, người Singapore thường tổ chức hành hương đến đi lễ chùa, cầu mong may mắn, hạnh phúc sẽ đến với bản thân và gia đình.
Đến với Lễ hội Singapore River Hongbao được tổ chức tại công viên Esplanade với chuỗi hoạt động vui chơi giải trí lý tưởng dành cho gia đình. Nhất là với du khách du nước ngoài sẽ có cơ hội trải nghiệm, khám phá và tìm hiểu phong tục tập quán của người Singapore qua các món ăn truyền thống, cuộc thi viết thư pháp, các chương trình văn hóa – văn nghệ, trò chơi giải trí…
Đặc sắc nhất là lễ hội Chingay được xem là lễ hội đường phố và diễu hành lớn nhất Châu Á. Chingay gây ấn tượng bằng màn bắn pháo hoa hoành tráng, sắc màu trang phục rực rỡ, màn biểu diễn lân sư rồng mãn nhãn, hay mà trình diễn xiếc và ảo thuật đáng kinh ngạc.
Tết cổ truyền Hàn Quốc mang đậm tình thân.
Không rộn ràng như Trung Quốc, không tưng bừng lễ hội như Singapore mà Tết cổ truyền Hàn Quốc đem đến không khí đầm ấm và bình yên bên gia đình. Tết ở Hàn Quốc còn được gọi là Seollal và kéo dài trong 3 ngày. Trong những ngày này, người dân thường mặc Hanbok dạo phố, đi thăm họ hàng và tiến hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Theo quan niệm ở xứ kim chi, đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma và thức suốt đêm vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Vào ngày Tết, trước cửa nhà không thể thiếu chiếc xẻng bằng rơm với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa để nhận được phúc lộc quanh năm.
Đáng chú ý, vào ngày Seollal, người Hàn Quốc bày biện mâm cổ cầu kỳ với hơn 20 món ăn mang nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau. Đặc biệt phải nói đến món Ttok-Kuk có nghĩa thêm một tuổi mới, không ăn canh này vào đầu năm thì không lớn được. Ngoài ra còn những món ăn khác như bánh gạo tteok, bánh bao hấp, thịt viên bulgogi cùng nước chấm pa-jun chua ngọt…và dĩ nhiên là còn có món Kim Chi quen thuộc. Ngoài ra, trong ngày Tết, ai ai cũng phải uống rượu Gui Balki Sool dù ít hay nhiều để lấy may mắn.
Du lịch Hàn Quốc dịp Tết nguyên đán du khách có dịp chơi những nhân gian vô cùng thú vị vẫn còn phổ biến đến ngày nay như yutnori (1 loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy) hoặc các trò chơi ngoài trời như thả diều, kéo co, bập bênh,…mang đậm văn hóa Hàn Quốc.
Vậy mới thấy, dù Tết cổ truyền các nước Châu Á diễn ra cùng thời điểm, cùng hướng đến sự tốt lành trong năm mới, cùng là niềm vui đoàn viên. Nhưng mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa đặc trưng khác nhau, chỉ khi trải nghiệm du khách mới cảm nhận hết mọi xúc cảm trong nét đẹp văn văn hóa truyền thống của các nước Á Đông.
Nếu xuân này du khách muốn “đổi gió” ăn Tết trên nước bạn thì đừng bỏ qua những quốc gia này nhé.