Nhiều người phải chi tiêu tiết kiệm trên đường đi du lịch, nhưng cũng có người thuê hẳn phi cơ riêng, đến những nơi xa xỉ để nghỉ dưỡng.
Dưới đây là cảm nhận của nhà văn, nhà báo Australia Tony Perrottet về sự khác biệt giữa những người giàu và người ít có điều kiện kinh tế khi đi du lịch, được đăng trên trang New York Times.
Những ngày cuối của tuần lễ Memorial Day (Ngày Tưởng niệm Liệt sĩ ở Mỹ, thường tổ chức vào thứ 2 cuối cùng của tháng 5) cũng bắt đầu mùa du lịch. Trên đường cao tốc ở Long Island, hàng nghìn người đổ xô ra đường đi nghỉ. Giao thông tắc nghẽn.
Những người đi bằng máy bay thì cố thu mình trong những băng ghế nhỏ, ngồi gặm bánh quy và thầm ghen tỵ với những người giàu có đi du lịch. Họ sẽ ngồi trong những chiếc máy bay phản lực tư nhân rộng rãi, đến nghỉ ở các biệt thự tại vùng Caribbean, và không bao giờ phải chịu cảnh chen chúc chật chội khi đi du lịch.
Tony Perrottet từng nghĩ như thế. Nhưng vào tháng 5/2013, ông đã đến Ấn Độ và nhận thấy những suy nghĩ phía trên chưa đúng hẳn. Trong hai tuần ở Kolkata, Tony đã phải đánh vật với việc chi tiêu tiết kiệm. Vào đêm cuối cùng, anh gặp một số bạn bè giàu có của mình. Những người này đã đi nghỉ hè ở một nơi riêng tư, có vệ sĩ canh gác và ở tại khách sạn 5 sao tại ngoại ô.
Những du khách giàu, vì được bao bọc kỹ quá, đã không có được những trải nghiệm thú vị, vui vẻ và sinh động như của Tony. Họ xoay vòng quanh ông, bắt ông kể về các chuyến đi đến nỗi Tony cảm giác mình kiệt sức đến nơi. Lúc này, ông nhận ra rằng, những người giàu có kia đang ghen tỵ với ông.
Tony cũng chỉ ra rằng, không phải bây giờ những người giàu mới thích tách mình ra khỏi đám đông ồn ào khi đi du lịch. Truyền thống này đã bắt đầu từ thời La Mã cổ đại, khi tầng lớp thượng lưu đã bắt đầu biết hưởng thụ các chuyến du lịch mùa hè của mình dọc theo đường Appian Way (một trong những con đường rộng nhất và dài nhất được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 TCN), nhâm nhi rượu vang Falernia trong các toa xe sang trọng. Nơi nghỉ của họ là các biệt thự xinh đẹp bên vịnh Naples, Italy.
Nhà triết học sống ở thế kỷ thứ nhất, Seneca, từng kể về việc ông đã bị làm phiền suốt đêm bởi những người hàng xóm tiệc tùng khi nghỉ tại một căn phòng thuộc thị trấn nghỉ mát Baiae (một thị trấn thời La Mã cổ đại, nằm phía tây bắc bờ biển của vịnh Naples, nay là thị trấn Bacoli, Italy).
Vào thế kỷ 18 tại châu Âu, khi du lịch trở thành một trò giải trí và được hồi sinh, giới nhà giàu thường tham gia vào các cuộc chơi mang tên gọi Grand Tour. Họ sẽ đi nghỉ dưỡng, tham gia tiệc tùng trong các cung điện hoàng gia, nhảy múa suốt đêm.
Những du khách bình dân thường quá quen với việc tham gia vào các đám đông chen chúc khi đi nghỉ dưỡng.
Năm 1892, chàng trai trẻ Winston Churchill, và sau này là thủ tướng nổi tiếng của Anh, từng có chuyến du lịch châu Phi hoành tráng. Để phục vụ cho một chuyến safari của Churchill, 200 người dân địa phương đã làm nhiệm vụ vận chuyển 20 tấn hành lý cho vị khách giàu có này.
Tại Mỹ, người dân bắt đầu đi du lịch sau khi cuộc Nội chiến kết thúc. Thời điểm đó, tầng lớp trung lưu đã bắt đầu thực hiện các chuyến đi mùa hè đến dãy núi Adirondack ở ngoại ô New York, tham gia vào các cuộc đi bộ đường dài, chèo thuyền, ngủ trong lều để nghe tiếng côn trùng kêu vào ban đêm.
Còn đối với dân nhà giàu Mỹ thời điểm đó, họ bắt đầu xây dựng những nơi nghỉ dưỡng sang trọng, đắt tiền ở Adirondacks. Những du khách giàu có sẽ tới đây bằng xe lửa tư nhân, cả gia đình tiêu khiển suốt mùa hè ở một nơi sang trọng, với đầy đủ người hầu kẻ hạ, đầu bếp riêng.
Khi việc đi du lịch càng trở nên phổ biến, những người giàu có lại càng muốn đi xa hơn. Đó là lý do doanh nhân Thomas Cook ở thời Victoria đã thành lập ra hãng du lịch đầu tiên, đưa mọi người tới châu Âu.
Ngày nay, một số người đã dùng tiền của mình cho các du lịch từ thiện tới các ngôi làng hẻo lánh. Số khác thì muốn có những trải nghiệm độc đáo, khó quên mà không phải người thường nào cũng làm được. Thậm chí có người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn USD để có thể bay vào không gian du ngoạn.
Còn theo nhà triết học Stoic sống ở thế kỷ thứ nhất, những người nghèo khi đi du lịch sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị hơn người giàu. Đó chính là trải nghiệm thực tế về những điều khó chịu, như việc chen chúc nhau khi đến một địa điểm nào đó. Việc bị kẹt trong đám đông, nhức đầu vì những tiếng la hét, âm thanh nhộn nhạo so với việc đặt cạnh một không gian sang trọng, yên tĩnh rõ ràng khác nhau trời vực.
Nhưng mục đích chung của những người đi du lịch chính là trải nghiệm. Vậy thì với nhiều người, việc tham gia vào những trải nghiệm khó chịu kia sẽ thú vị hơn rất nhiều so với chuyến du lịch của dân nhà giàu: nhẹ nhàng nhưng vô vị.
- Theo vnexpress -